Thứ năm, 22 Tháng 8 2013

Lịch sử hình thành và phát triển bộ môn

1.    Lịch sử Bộ môn Công nghệ Nhiệt lạnh
       Kể từ 30/4/1975 cho đến nay, lịch sử Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh có thể được chia làm 3 giai đoạn: (i) từ 1975 cho đến 1986, (ii) từ 1986 cho đến 2002 và (iii) từ 2002 cho đến hiện nay.
1.1. Giai đoạn từ 1975 cho đến 1986
       Sau 30/4/1975, Bộ môn Cơ lưu chất - Nhiệt được thành lập trên cơ sở một số Thầy có cùng chuyên môn của Học viện Kỹ thuật Phú Thọ kết hợp với một số Thầy từ miền Bắc mới chuyển vào.
       Như vậy, vào giai đoạn ban đầu này, Bộ môn Cơ lưu chất - Nhiệt có hai nguồn cán bộ: (i) nguồn cán bộ tại chỗ bao gồm cả nguồn cán bộ từ Trường chuyên nghiệp trung cấp chuyển sang và (ii) nguồn cán bộ từ miền Bắc mới chuyển vào. Trong số những cán bộ tại chỗ của Bộ môn có các Thầy Nguyễn Thiện Tống, Thầy Sang, Thầy Tòng, Thầy Thắng và Thầy Tâm. Ngay từ những năm đầu sau ngày giải phóng, Thầy Nguyễn Thiện Tống đã được cử giữ nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm khoa Cơ khí kiêm Tổ phó Bộ môn Cơ lưu chất - Nhiệt. Sau một vài năm thì Thầy Nguyễn Thiện Tống chuyển sang Bộ môn Cơ lưu chất, sau một vài năm nữa thì Thầy Nguyễn Thiện Tống chuyển sang làm Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không cho đến khi về hưu. Các Thầy từ miền Bắc chuyển vào sau năm 1975 gồm có TS Lê Quế Kỳ, TS Trần Thanh Kỳ và KS Hoàng Đình Tín; sau đó lại có thêm TS Phạm Duy Hồng và TS Nguyễn Hà Thanh.
       Những năm tiếp sau đó, vào khoảng 1978 – 1979, Bộ môn Cơ lưu chất - Nhiệt tiếp nhận thêm những cán bộ trẻ khác như Thầy Nguyễn Nhựt, Thầy Nguyễn Tấn Phương, Thầy Lê Chí Hiệp, Thầy Nguyễn Văn Tuyên và Thầy Nguyễn Sơn Hải.
       Vào thời kỳ ngay sau năm 1975, Bộ môn Cơ lưu chất - Nhiệt đã có một lực lượng TS khá hùng hậu như TS Nguyễn Thiện Tống, TS Lê Quế Kỳ, TS Trần Thanh Kỳ, TS Phạm Duy Hồng và TS Nguyễn Hà Thanh.
       Đầu năm học 1977 – 1978, Thầy Hoàng Đình Tín được cử làm Phó Chủ nhiệm khoa kiêm nhiệm Bí thư Đảng ủy khoa Cơ khí.
       Cuối năm học 1977 – 1978, ba Bộ môn Nhiệt công nghiệp (Cơ lưu chất - Nhiệt), Bộ môn Ô tô và Bộ môn Máy xây dựng - bốc xếp được tách ra khỏi khoa Cơ khí để thành lập khoa Động lực. Theo quyết định số 813/QĐ-CB của Bộ ĐH và THCN ký ngày 31 tháng 07 năm 1979 thì TS Trương Minh Vệ làm Chủ nhiệm khoa Động lực, KS Trần Văn Khang làm Phó Chủ nhiệm khoa kiêm Bí thư Đảng ủy khoa Động lực, sau đó bổ sung KS Hoàng Đình Tín làm Phó Chủ nhiệm khoa.
       TS Lê Quế Kỳ là Tổ trưởng Bộ môn Nhiệt công nghiệp (Cơ lưu chất - Nhiệt) ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Sau khi KS Trần Văn Khang chuyển công tác ra khỏi trường thì TS Lê Quế Kỳ được cử làm Phó Chủ nhiệm khoa Động lực, lúc này TS Phạm Duy Hồng đảm nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Bộ môn. Sau một vài năm thì TS Phạm Duy Hồng lần lượt kiêm thêm nhiệm vụ Phó chủ nhiệm Khoa Cơ khí và Trưởng phòng vật tư của trường.
       Trường Đại học Bách Khoa Tp Hồ Chí Minh những năm đầu sau Giải phóng tuyển sinh khá ít, toàn trường chỉ tuyển khoảng 400 sinh viên/năm với chỉ một hệ đào tạo chính quy, thời gian đào tạo 5 năm. Mỗi ngành chỉ có khoảng từ 16 – 20 sinh viên/lớp. Ngoài công việc giảng dạy, các Thầy/Cô giáo còn kiêm thêm nhiệm vụ canh gác trường vào ban đêm.
       Công việc giữa các Thầy/Cô được phối hợp rất ăn ý, từ các Chủ nhiệm khoa như TS Nguyễn Ngọc Cẩn, TS Trương Minh Vệ, TS Phạm Phố đến Ban giám hiệu như Hiệu phó TS Huỳnh Văn Hoàng, Hiệu trưởng TS Trần Hồng Quân. Các Thầy thường xuống các Bộ môn để lấy ý kiến các Tổ trưởng bộ môn và các cán bộ chủ chốt về chương trình đào tạo, phối hợp giữa các ngành để làm sao chương trình đào tạo ngắn gọn, hợp lý nhằm đảm bảo cung cấp đủ các kiến thức nền tảng cho sinh viên nhưng tránh không bị rườm rà và trùng lặp. Qui chế học tập ngắn gọn nên Thầy/Cô giáo và sinh viên đều nắm rất rõ. Sinh viên nghiêm túc chịu khó suy nghĩ, hiểu rõ bản chất vấn đề. Các Thầy/Cô kiểm soát lớp rất tốt để giúp đỡ sinh viên. Sinh viên ngày ấy phải trả hết nợ môn học mới được làm luận văn tốt nghiệp, do đó sinh viên làm luận văn rất tập trung, chịu khó tham khảo tài liệu và tiếp xúc với các Thầy/Cô để khai thác kiến thức.
       Sau năm 1981, khoa Động lực giải thể và sáp nhập trở lại khoa Cơ khí do GS.TSKH Phạm Phố làm Chủ nhiệm khoa. GS.TSKH Trương Minh Vệ trở về làm Tổ trưởng bộ môn Máy xây dựng và Bốc xếp. Đến năm 1988, qua cuộc bầu cử trực tiếp Hiệu trưởng lần đầu tiên của trường, GS.TSKH Trương Minh Vệ trở thành Hiệu trưởng cho đến năm 1998.
       Trong giai đoạn này, bên cạnh hoạt động đào tạo đại học, các Thầy ở Bộ môn còn tham gia rất nhiều các hoạt động lao động sản xuất và chuyển giao công nghệ. Người tổ chức và chỉ đạo trực tiếp các hoạt động này là TS Trần Thanh Kỳ.

1.2.   Giai đoạn từ 1986 cho đến 2002
       Năm 1986 Bộ môn Nhiệt công nghiệp được tách ra khỏi Khoa Cơ khí và trở thành Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới. Đây là Trung tâm trực thuộc trường và do PGS.TS Trần Thanh Kỳ làm Giám đốc.
       Giai đoạn từ năm 1986 trở đi là giai đoạn bùng nổ về việc tiếp nhận nhân sự, trong đó đa số là nhân sự trẻ mới vừa tốt nghiệp các trường đại học trong và ngoài nước. Vào những năm từ 1986 – 1989, Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới lần lượt tiếp nhận hai sinh viên mới vừa tốt nghiệp từ Liên Xô trở về là Thầy Trần Lưu Dũng và Thầy Nguyễn Đình Thọ, sau đó tiếp nhận thêm Cô Dương Thị Thanh Lương từ miền Bắc chuyển vào. Tiếp theo đó, từ năm 1989 – 1992, Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới lại giữ thêm một số sinh viên trẻ vừa mới tốt nghiệp trong nước để bổ sung cho lực lượng giảng dạy, đó là các Thầy Nguyễn Thế Bảo, Thầy Bùi Ngọc Hùng, Thầy Lê Hùng Tiến và Thầy Trần Ngọc Hợp. Cũng trong thời kỳ này, Thầy Cao Trường Thiên và Thầy Nguyễn Văn Hoài chuyển từ Xưởng điện của trường sang công tác tại Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới. Vài năm sau đó nữa thì tiếp tục giữ lại Thầy Hà Anh Tùng, Thầy Phan Thanh Tòng và Cô Hoàng Thị Nam Hương.
       Về lực lượng TS, năm 1990 Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới có thêm TS Lê Chí Hiệp, cuối năm 1991 có thêm TS Hoàng Đình Tín và cuối năm 1998 lại có thêm TS Nguyễn Thế Bảo. Tuy nhiên, cùng với lực lượng TS mới được bổ sung, lực lượng TS của Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới cũng lại bị sụt giảm nghiêm trọng do một số Thầy chuyển công tác như TS Nguyễn Thiện Tống, TS Phạm Duy Hồng và TS Nguyễn Hà Thanh. Riêng TS Lê Quế Kỳ đã mất vào năm 1989.
       Tiếp tục truyền thống trước đó, trong một khoảng thời gian dài bên cạnh nhiệm vụ đào tạo đại học, Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới còn được xem là một địa chỉ đáng tin cậy, một ngọn cờ đầu trong khu vực các tỉnh phía nam về việc gia công/chế tạo các sản phẩm có liên quan đến kỹ thuật nhiệt. Trong thời kỳ này, Thầy Nguyễn Nhựt giữ nhiệm vụ Trưởng xưởng C3 và Thầy Nguyễn Văn Tuyên giữ nhiệm vụ Phó xưởng C3. Đặc điểm nổi bật của giai đoạn này là các hoạt động lao động sản xuất/chuyển giao công nghệ được triển khai hết sức mạnh mẽ. Dưới sự chỉ đạo của Thầy Trần Thanh Kỳ, trong giai đoạn này Thầy Nguyễn Nhựt là nhân tố nổi bật trong việc triển khai các hoạt động lao động – sản xuất/chuyển giao công nghệ của Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới. Các sản phẩm của xưởng khá đa dạng, bao trùm hầu hết các loại sản phẩm có liên quan mà xã hội đang có nhu cầu, tuy nhiên dòng sản phẩm chủ lực của xưởng là các loại lò hơi công nghiệp năng suất nhỏ. Cùng với các sản phẩm kỹ thuật nhiệt, khoảng từ năm 1990 trở đi thì Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới còn đẩy mạnh các sản phẩm về năng lượng tái tạo. Vào thời kỳ này, Thầy Lê Chí Hiệp là người chủ trì triển khai các dòng sản phẩm nước nóng mặt trời. Cùng với đó, Cô Dương Thị Thanh Lương là người chủ trì phát triển các dòng sản phẩm về động cơ gió thông qua các đề tài/dự án. Có thể nói, vào thập niên những năm 90, chính Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới của trường Đại học Bách khoa Tp Hồ Chí Minh là đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực nước nóng mặt trời và động cơ gió.
       Trong giai đoạn này, PGS.TS Hoàng Đình Tín được nhà nước phong tặng danh Hiệu Nhà Giáo ưu tú vào năm 1994; PGS.TS Trần Thanh Kỳ được bổ nhiệm Hiệu phó từ năm 1989 đến năm 1992 và tiếp tục kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới, năm 2000 PGS.TS Trần Thanh Kỳ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; Thầy Lê Chí Hiệp được cử giữ chức vụ Phó phòng KHCN-SĐH và QHQT của trường từ năm 1990 cho đến 1994, sau đó tiếp tục giữ chức vụ Trưởng phòng QHQT từ năm 1997 cho đến năm 2002.

1.3. Giai đoạn từ 2002 cho đến hiện nay
       Đầu năm 2002, theo chỉ đạo của Hiệu trưởng nhà trường, Thầy Lê Chí Hiệp đã đứng ra thành lập Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh và Hiệu trưởng đã ký quyết định thành lập Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh vào ngày 22/01/2002. Vào lúc thành lập Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh, PGS.TS Trần Thanh Kỳ tiếp tục ở lại làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới, tất cả các Thầy/Cô giáo còn lại đều chuyển biên chế sang Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh. Bắt đầu từ thời điểm này, Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh quay trở lại là một đơn vị thuộc khoa Cơ Khí của trường Đại Học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới vẫn còn tồn tại cho đến cuối năm 2006. Năm 2003, sau khi từ nước ngoài trở về, Thầy Nguyễn Văn Tuyên đã được cử giữ nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm cho đến cuối năm 2006.
       Ngay từ những ngày đầu mới được thành lập, Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh đã giữ thêm một số sinh viên vừa mới tốt nghiệp để bổ sung lực lượng, đó là Cô Nguyễn Thị Minh Trinh, Thầy Võ Kiến Quốc và Thầy Nguyễn Toàn Phong. Sau đó một vài năm, lại có thêm các Thầy Nguyễn Minh Phú, Thầy Phan Thành Nhân, Thầy Huỳnh Phước Hiển, Thầy Nguyễn Văn Hạp, Thầy Nguyễn Văn Hạnh, Thầy Ngô Thiên Tứ và Thầy Vũ Hải Dương.
       Cho đến năm 2002, Trường Đại Học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh chưa có ngành đào tạo cao học về Công nghệ nhiệt. Đứng trước yêu cầu bức bách của xã hội, năm 2001 Thầy Lê Chí Hiệp đã đứng ra đề xuất và chủ trì xây dựng đề án đào tạo cao học ngành Công nghệ nhiệt. Trong quá trình chuẩn bị đề án, TS Nguyễn Thế Bảo là một trong những nhân tố tích cực cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo cao học ngành Công nghệ nhiệt.
       Tại thời điểm xây dựng chương trình đào tạo cao học ngành Công nghệ nhiệt, cả Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh và Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới chỉ còn lại 4 Thầy có học vị Tiến sĩ là các Thầy Trần Thanh Kỳ, Thầy Hoàng Đình Tín, Thầy Lê Chí Hiệp và Thầy Nguyễn Thế Bảo. Vào năm 2003, Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh và Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới lại có thêm 2 Tiến sĩ nữa là các Thầy Nguyễn Văn Tuyên và Thầy Bùi Ngọc Hùng. Từ năm 2008 trở đi, Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh đã tiếp nhận thêm TS Hà Anh Tùng từ Canada trở về và TS Trần Văn Hưng từ Bungari về gia nhập đội ngũ.
       Chủ nhiệm Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh từ ngày đầu mới thành lập cho đến hiện nay là Thầy Lê Chí Hiệp. Trên cơ sở đề án đào tạo cao học được xây dựng từ năm 2001, năm 2002 Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh đã bắt đầu đào tạo khóa cao học đầu tiên với tên gọi là Công nghệ nhiệt, đây được xem là chương trình đào tạo cao học ngành Công nghệ nhiệt đầu tiên trong các tỉnh phía nam. Hiện nay chương trình đào tạo cao học có tên gọi là Kỹ thuật nhiệt. Trọng tâm của chương trình cao học Kỹ thuật nhiệt bao gồm 3 cụm vấn đề: (i) các kiến thức khoa học nâng cao, (ii) tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng trong kỹ thuật nhiệt lạnh và (iii) kỹ thuật năng lượng tái tạo, trong đó tập trung chủ yếu vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Từ kết quả của chương trình đào tạo cao học Công nghệ nhiệt, một số cựu học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ trong và ngoài nước, đó là: PGS.TS Hoàng An Quốc, PGS.TS Đặng Thành Trung, TS Nguyễn Minh Phú, TS Nguyễn Văn Hạp, TS Lê Minh Nhựt, TS Nguyễn Hữu Nghĩa, TS Trần Đình Anh Tuấn, TS Nguyễn Hiếu Nghĩa, TS Võ Kiến Quốc và TS Lê Quang Huy. Trong số đó, TS Nguyễn Minh Phú, TS Nguyễn Văn Hạp và TS Võ Kiến Quốc là người của Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh. Tại thời điểm tháng 7/2018, có thêm 5 cựu học viên khác hiện cũng đang thực hiện chương trình đào tạo tiến sĩ trong và ngoài nước, trong số đó có 3 cựu học viên hiện đang là nhân sự thuộc biên chế của Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh.
       Bên cạnh các hoạt động khoa học và đào tạo khác, đặc điểm nổi bật của giai đoạn này là công tác đào tạo sau đại học được phát triển rất mạnh. Về hoạt động này, Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh được xem là nguồn khởi phát và là hạt nhân trong đào tạo sau đại học về Công nghệ nhiệt trong khu vực các tỉnh phía nam. Thầy Lê Chí Hiệp là người giữ vai trò quan trọng trong công tác đẩy mạnh các hoạt động đào tạo sau đại học trong giai đoạn này.
       Cũng trong giai đoạn này, PGS.TS Hoàng Đình Tín được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân vào năm 2010, Thầy Lê Chí Hiệp được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú vào năm 2008 và được HĐCDGSNN công nhận chức danh Giáo sư vào năm 2010. Thầy Nguyễn Thế Bảo sau một thời gian rời Bộ môn vì lý do riêng, hiện nay đang trở lại làm việc tại Bộ môn, Thầy Nguyễn Thế Bảo được HĐCDGSNN công nhận chức danh Phó Giáo sư vào tháng 4 năm 2018.
Ngoài nhiệm vụ đào tạo đại học và sau đại học về kỹ thuật nhiệt lạnh, Bộ môn còn tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị thuộc lĩnh vực nhiệt lạnh và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, các thành viên trong Bộ môn còn tham gia rất tích cực vào nhiều loại hình hoạt động khoa học khác nhau ở cả trong và ngoài nước, nhất là các hoạt động về Sử dụng hiệu quả năng lượng và Năng lượng tái tạo.
       Trong suốt thời kỳ kể từ Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới trước đây cho đến Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh sau này, các Thầy/Cô đã và đang làm việc ở Trung tâm và Bộ môn luôn ghi nhận sự đóng góp công sức của các Cô giữ nhiệm vụ Thư ký; đó là Cô Phạm Thị Khắc, Cô Vương Thị Kim Cúc, Cô Nguyễn Thị Hồng, Cô Nguyễn Thanh Uyên, Cô Trần Thu Hiền, Cô Hoàng Ngọc Như Mai và gần đây nhất là Cô Lê Thị Kim Liên. Trong số đó Cô Nguyễn Thị Hồng là thư ký gắn bó rất lâu dài với Trung tâm và ngay cả Bộ môn sau này.
       Trải qua một giai đoạn lịch sử hơn 40 năm với rất nhiều biến đổi, một số Thầy/Cô đã mất, một số Thầy/Cô đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu, hiện nay Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh chỉ còn lại 15 người. Mặc dù vậy, toàn thể Thầy/Cô Bộ môn nguyện đoàn kết và toàn tâm toàn ý đem hết sức lực của mình để đào tạo đội ngũ kế thừa, tiếp nối những thành tựu tốt đẹp mà các thế hệ đi trước đã để lại.

        Hiện nay, chuyên ngành Kỹ thuật nhiệt của Bộ môn đã đạt được chuẩn kiểm định chất lượng AUN-QA năm 2018

2.    Khen thưởng

       PGS.TS HOÀNG ĐÌNH TÍN:
           NGƯT: 1994
           NGND: 2010
       PGS.TS TRẦN THANK KỲ:
           NGƯT: 2000
       GS.TS LÊ CHÍ HIỆP:
           NGƯT: 2008
           Huân chương Lao động hạng ba: 2011

3.    Chủ nhiệm Bộ môn qua các thời kỳ

 

Giai đoạn

Tên đơn vị

Chủ nhiệm/

Giám đốc

Hình

1977 - 1981

Bộ môn Nhiệt công nghiệp

TS Lê Quế Kỳ

 

1981 - 1985

Bộ môn Nhiệt công nghiệp

TS Phạm Duy Hồng

 

1986 - 2003

Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới

PGS.TS Trần Thanh Kỳ

 

2003 - 2006

Trung tâm nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới

TS Nguyễn Văn Tuyên

 T-Tuyen

2002 – hiện nay

Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh

GS.TS Lê Chí Hiệp

 T-Hiep

 

 

Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh - Khoa Cơ Khí- Trường Đại Học Bách Khoa

Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Nhà B5, 268 Lý Thường Kiệt, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08.38 647 256 ext.5897

Email: cnnhietlanh@hcmut.edu.vn

Facebook: Nhiệt lạnh ĐHBK HCM

8807635
Hôm nay
Tổng cộng
10968
8807635

Facebook

Joomla Templates - by Joomlage.com