Thứ năm, 28 Tháng 3 2013

SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NĂNG LƯỢNG VÀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO Ở VIỆT NAM – MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CHO KHU VỰC TÂY NGUYÊN

Chuyên mục : Hoạt động bộ môn

GS.TS Lê Chí Hiệp 

Chủ tịch Hội đồng Năng Lượng - ĐHQG TpHCM Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ nhiệt lạnh - Đại học Bách khoa - ĐHQG TpHCM


1. Tổng quát
Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng cũng đang ngày càng gia tăng. Đứng trước các thách thức mang tính thời đại nhằm thỏa mãn những bức xúc về nhu cầu năng lượng, trong những năm gần đây, nhiều nước đã và đang xây dựng cho mình những chiến lược và chính sách sử dụng năng lượng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu năng lượng để phát triển nền kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Việc cân bằng mối quan hệ tưởng chừng như mâu thuẫn giữa Phát triển và Bảo vệ môi trường thật không hề đơn giản, đó thật sự là cuộc chiến phức tạp giữa những cám dỗ ngắn hạn mang tính ăn xổi ở thì và tầm nhìn chiến lược mang tính lâu dài. So với các nước phát triển và so với một số nước tiên tiến trong khu vực, chúng ta có chậm chạp hơn trong việc hòa chung vào xu hướng này. Tuy vậy, trong những năm gần đây, đã có những tín hiệu rất đáng khích lệ. Các hoạt động Tiết kiệm năng lượng/Sử dụng hiệu quả năng lượng đã chuyển từ các hoạt động đơn lẻ ban đầu, hoàn toàn mang tính địa phương – ví dụ như Tp Hồ Chí Minh – trở thành những hoạt động có qui mô ở tầm quốc gia và lan ra rất nhiều các địa phương khác trong toàn quốc. Không những thế, năng lượng tái tạo cũng đang ngày càng được quan tâm phát triển. Việc ứng dụng năng lượng tái tạo vào sản xuất và đời sống đã chuyển từ những mô hình rời rạc, đơn lẻ, hoàn toàn mang tính nghiên cứu/triển khai và nặng phần trình diễn trên cơ sở các nguồn tài trợ trong và ngoài nước, đã dần dần trở thành những sản phẩm hàng hóa mang tính cạnh tranh cao với những dự án đầu tư lớn và những công trình sản xuất qui mô lớn. Tiếp sức cho xu thế đó, ở tầm vĩ mô các văn bản, chính sách, nghị định, luật,… có liên quan lần lượt đã được ban hành. Trong phạm vi bài viết này, cho phép tôi được điểm qua một số nét nổi bật trong các hoạt động về sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo đang diễn ra trong phạm vi cả nước, đồng thời xin được nêu lên một số nhận định và góp ý về phương hướng phát triển trong những năm sắp tới, đặc biệt là những đề xuất cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên.

 

2. Một số nét nổi bật

2.1. Tiết kiệm năng lượng và Sử dụng hiệu quả năng lượng

Các hoạt động về Tiết kiệm năng lượng và Sử dụng hiệu quả năng lượng đã được quan tâm từ rất sớm, minh chứng cho nhận định này là chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về công tác nghiên cứu chính sách năng lượng ký ngày 12/3/1984. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó cho tới khoảng năm 2000 thì các hoạt động này vẫn rất trầm lắng, hầu như không có bất kỳ tác động tích cực nào đến đời sống xã hội. Chỉ khoảng sau năm 2000 thì các hoạt động tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng mới dần dần nổi lên như một phong trào mang tính xã hội rộng rãi. Điểm lại các sự kiện đã diễn ra, có thể nói Tp Hồ Chí Minh là địa phương đã khởi xướng và đi đầu trong cả nước về các hoạt động tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng thông qua việc hình thành rất sớm trung tâm tiết kiệm năng lượng. Hiện nay, hầu hết các tỉnh/thành đều có trung tâm tiết kiệm năng lượng hoặc các đơn vị có tên gọi khác nhưng kiêm nhiệm hoạt động tiết kiệm năng lượng. Hoạt động của các trung tâm/đơn vị này rất đa dạng, ví dụ như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng, mở các lớp đào tạo cán bộ và hội thảo về tiết kiệm năng lượng, khảo sát hiện trạng sử dụng năng lượng trên địa bàn và tiến hành các kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng, tổ chức các cuộc thi về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng,… Vào thời kỳ ban đầu, cùng với các hoạt động diễn ra rời rạc ở các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước đã từng bước chú tâm đến các hoạt động này và trên cơ sở đó một số văn bản có liên quan đã được ban hành. Có thể nêu ra đây một vài văn bản chính như: - Nghị định số 102/2003/NĐ-CP của chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. - Quyết định số 1855/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 27/12/2007 về Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, các hoạt động tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng trong cả nước vẫn chưa có những chuyển biến rõ ràng do chưa có cơ quan đầu mối ở cấp nhà nước quản lý và theo dõi những hoạt động này. Chính vì vậy, nhằm mục tiêu tập hợp lực lượng và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngày 07/4/2007 Văn phòng tiết kiệm năng lượng thuộc Bộ Công nghiệp cũ (nay là Bộ Công Thương) đã được thành lập theo Quyết định số 919/QĐ-BCN. Chính nhờ việc thành lập Văn phòng tiết kiệm năng lượng này mà các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cả nước đã được tổ chức chặt chẽ hơn, đi vào chiều sâu hơn, có các hoạt động hợp tác với các nước trong khu vực nhiều hơn và đặc biệt nhận được sự tài trợ nhiều hơn của các cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế. Liên quan đến việc này, có một thông tin khác rất đáng được chú ý đó là việc thành lập Tổng cục năng lượng trực thuộc Bộ Công Thương vào ngày 14/6/2011 theo Nghị định số 44/2011/NĐ-CP. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, hòa chung với xu thế của các nước trong khu vực, dự luật Tiết kiệm và Sử dụng hiệu quả năng lượng đã được soạn thảo. Sau nhiều lần thảo luận và chỉnh sửa, cuối cùng dự luật đã được Quốc Hội thông qua vào ngày 17/6/2010 và trở thành Luật Tiết kiệm và Sử dụng hiệu quả năng lượng (Luật số: 50/2010/QH12). Luật này đã được Chủ tịch nước chính thức ký ban hành và có giá trị thi hành kể từ đầu năm 2011. Đây được xem là kết quả mang tính đỉnh điểm của các nỗ lực không mệt mỏi của nhiều tổ chức và cá nhân trong cả nước trong các hoạt động về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng trong những năm vừa qua. Để thúc đẩy triển khai Luật Tiết kiệm và Sử dụng hiệu quả năng lượng, ngày 12/9/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg qui định danh mục các thiết bị phải dán nhãn năng lượng, qui định mức hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) và lộ trình thực hiện. Gần đây nhất, ngày 25/9/2012, bằng Quyết định số 1393/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến luợc quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính để tiến tới nền kinh tế carbon thấp trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững. Đóng góp vào các thành công bước đầu này có công sức không nhỏ của các nhà khoa học có liên quan trong cả nước. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong hơn 10 năm nay một số trường đại học kỹ thuật ở các khu vực khác nhau trong cả nước đã bổ sung các nội dung về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các bài giảng có liên quan, một số trường đã xây dựng các môn học mới hoặc hình thành các chương trình khung mới để góp phần đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ mới.

 

2.2. Năng lượng tái tạo

Các hoạt động nghiên cứu về năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió và năng lượng mặt trời, đã được triển khai từ rất sớm. Tuy nhiên, trong nhiều năm trước đây, các hoạt động đó hầu hết vẫn còn mang tính tự phát, rời rạc, thiếu liên tục và thiếu bền vững. Cho đến hiện nay, đã có một số dự án về năng lượng gió và năng lượng mặt trời (chủ yếu là pin mặt trời) đã được triển khai lắp đặt. Các số liệu thống kê cho thấy hiện có khoảng 3MWp pin mặt trời đã được lắp đặt, có một số trạm gió hoặc quạt gió ở qui mô công suất nhỏ đã được triển khai. Nếu so với các nước trong khu vực thì các con số này thật sự quá khiêm tốn và chất chứa nhiều điều đáng suy nghĩ, những con số này đã nhiều năm nay gây bức xúc lớn cho những người có quan tâm đến việc phát triển năng lượng tái tạo của đất nước. Cũng cần nhấn mạnh thêm, hầu như tất cả các dự án trước đó phần lớn đều mang tính trình diễn, đều được cấp kinh phí từ các tổ chức nhà nước và các tổ chức quốc tế, hoàn toàn không đến từ kinh phí cá nhân hoặc kinh phí của các nhà đầu tư. Cũng chính vì vậy cho nên sản phẩm của các dự án phần lớn có tuổi thọ rất ngắn và hầu như không gây tác động đáng kể nào đến đời sống xã hội. Tuy vậy, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, có lẽ phải kể đến nước nóng mặt trời như mũi nhọn tiên phong thu hút sự chú ý của xã hội và làm biến đổi nhận thức của xã hội về việc ứng dụng năng lượng tái tạo. Trong lĩnh vực này, từ khoảng năm 1990 trở đi, chính sự nỗ lực của một số nhà khoa học đã góp phần làm nước nóng mặt trời dần dần trở thành một mặt hàng mang tính cạnh tranh cao, kích thích sự tham gia của nhiều nhà doanh nghiệp và tạo được sự hấp dẫn của nhiều tầng lớp trong xã hội. Đương nhiên, kết quả này một phần nào đó cũng do những tác động tích cực mang tính thời đại, cũng do sự quan tâm thúc đẩy của các cơ quan quản lý cấp nhà nước và đặc biệt là của xu thế không thể đảo ngược được của việc đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm năng lượng tái tạo. Hiện nay, có nhiều tín hiệu lạc quan cho thấy việc phát triển các sản phẩm năng lượng tái tạo đã dần dần đi vào thế ổn định, có tổ chức và mang tính bền vững. Bên cạnh nước nóng mặt trời, pin mặt trời cũng đã và đang trở thành sản phẩm hấp dẫn có tính
thương mại cao. Mặc dù việc ứng dụng pin mặt trời ở trong nước hiện vẫn chưa được hưởng ứng rộng rãi, nhưng đã có những dự án lớn sản xuất pin mặt trời được đầu tư bởi những cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước như Red Sun (Long An), First Solar (Củ Chi) và IC Energy (Chu Lai, Quảng Nam). Trong lĩnh vực năng lượng gió, việc xây dựng các cụm phát điện gió ở qui mô lớn cũng đã và đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài những dự án đã được biết đến như Bạch Long Vĩ, Phương Mai (Bình Định), Ninh Thuận,…hiện nay dự án lắp đặt 80 turbines gió phát điện ở Bình Thuận, với công suất mỗi turbine gió 1.5MW, được xem là dự án lớn nhất đang được triển khai trong thực tế. Dự án này được đầu tư bởi REVN theo công nghệ của hãng Fuhrländer của Đức. Theo các thông tin mới được cập nhật, hiện đã có khoảng 30 quạt gió với tổng công suất gần 45MW đã được lắp đặt. Tất cả các quạt gió phát điện của dự án sẽ được lắp đặt hoàn toàn vào năm 2015 với tổng công suất là 120MW. Ngoài ra, ở Bạc Liêu cũng đang triển khai dự án phát điện gió bao gồm 62 turbines với công suất mỗi turbine là 1.6MW, như vậy tổng công suất phát là 99,2MW. Thủy điện nhỏ (ứng với qui mô từ 30MW trở xuống) cũng là một bộ phận đáng kể của năng lượng tái tạo trong điều kiện Việt Nam. Hiện trên cả nước có gần 1000 dự án đã được đưa vào qui hoạch với tổng công suất gần 5900MW. Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy, hiện chỉ có khoảng 600MW thủy điện nhỏ đã được lắp đặt và đang vận hành tại hơn 100 địa điểm khác nhau trên toàn quốc, chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền Trung. Trong trường hợp của thủy điện nhỏ, càng ngày càng xuất hiện nhiều mâu thuẫn giữa các dự báo lạc quan ban đầu và những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đã xuất hiện một số trường hợp nhà máy đã xây rồi nhưng không biết vận chuyển điện đi đâu vì thiếu đường dây, đã xuất hiện những tai nạn do suất đầu tư ít, do kỹ thuật non và do thi công vội vàng. Thêm vào đó, do các tác động không mong muốn nhưng mang tính tất yếu của thủy điện nhỏ như góp phần làm gia tăng nạn phá rừng và góp phần làm gia tăng tiềm năng gây lũ, hiện các nhà khoa học và dư luận xã hội đang quyết liệt cảnh báo các nhà quản lý cần thận trọng hơn trong việc phát triển thủy điện nhỏ, bước đầu đã có một số kết quả nhất định. Trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học và biomass, phải nói đã có những bước tiến bộ rất đáng kể so với những năm trước đây. Thông qua các văn bản đã được ban hành, có thể thấy rõ việc phát triển nhiên liệu sinh học và biomass đã được các cơ quan quản lý cấp nhà nước xem là trọng tâm của việc đẩy mạnh các ứng dụng về năng lượng tái tạo. Có thể xem Quyết định số 177/2007 về kế hoạch phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, là văn bản góp phần quan trọng vào các bước phát triển này. Theo đó, đến năm 2015 năng lực sản xuất các dạng nhiên liệu sinh học và biomass phải đạt mức 250 ngàn tấn/năm, còn đến năm 2025 phải tăng lên đến 1,8 triệu tấn/năm, với mong muốn các dạng nhiên liệu sinh học và biomass có thể đóng góp khoảng 5% nhu cầu năng lượng của toàn bộ đất nước. Hiện tại, đã có một số dự án đang được triển khai, đáng kể nhất là 5 dự án của PetroVietnam, trong số đó có 3 dự án với năng lực sản xuất 240 triệu lít ethanol loại 99,7% mỗi năm. Tuy nhiên, bức tranh triển khai ứng dụng năng lượng tái tạo không chỉ toàn những gam màu sáng, trong khoảng ba năm trở lại đây đã lác đác xuất hiện một số gam màu tối liên quan đến những khó khăn thực tế trong quá trình triển khai các dự án về pin mặt trời, điện gió và nhiên liệu sinh học. Cốt lõi của những khó khăn này hoàn toàn không phải là vấn đề công nghệ hay nguồn vốn đầu tư, mà là những vấn đề thuộc về lợi ích kinh tế và chính sách. Nguồn gốc của những khó khăn này cũng thật đa dạng, một số chịu ảnh hưởng của quan hệ cung cầu ở qui mô toàn thế giới, nhưng một số là do sự thiếu hụt những chính sách đòn bẩy cụ thể mang tính khuyến khích về lợi ích vật chất. Điều đó cho thấy cần phải làm mọi cách để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động Tiết kiệm năng lượng/Sử dụng hiệu quả năng lượng và Năng lượng tái tạo, đây phải là quá trình dài hơi cần sự góp sức liên tục của nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều người.

 

3. Các nhận định và góp ý về phương hướng sắp tới 

So với những năm trước đây, các hoạt động về năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng trong cả nước đã có những bước tiến bộ khá đáng kể. Tuy nhiên, các kết quả mang lại vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Để đẩy mạnh các hoạt động này, điều cơ bản cần phải làm là nhanh chóng chuyển đổi các chủ trương chung chung thành những chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể. Trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng, hiện nay cơ cấu tổ chức từ trên xuống vẫn chưa rõ ràng, vẫn còn hiện tượng phân tán và trùng lắp. Bên cạnh đó, các hoạt động này hầu hết vẫn là các hoạt động đơn giản mang tính bề nổi, chưa thật sự đi vào trọng tâm để có những kết quả mang tính đột phá. Để các hoạt động tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng diễn ra bền vững và có tác động rõ ràng đến các mặt hoạt động của xã hội, cần thiết phải lưu ý các phương hướng sau: - Điều chỉnh thống nhất cơ cấu tổ chức từ trung ương đến địa phương, tránh việc Bộ nào cũng có thể có tổ chức quản lý/điều hành các hoạt động này, còn ở địa phương thì tránh việc các tổ chức tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng trực thuộc các Sở/ngành khác nhau. - Nhanh chóng đưa Luật Tiết kiệm và Sử dụng hiệu quả năng lượng vào thực tế đời sống. - Phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động mang tính bề sâu, cụ thể là phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang các công nghệ thích hợp nhằm mục đích sử dụng năng lượng hợp lý và hiệu quả. - Khẩn trương xây dựng các bộ tiêu chí về định mức sử dụng năng lượng trong từng lĩnh vực, trước mắt tập trung vào các lĩnh vực then chốt sử dụng nhiều năng lượng. - Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực các cấp và tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng. Về lĩnh vực năng lượng tái tạo, mặc dù trong vài năm gần đây đã có những tiến bộ thấy rõ, tuy nhiên một cách tổng thể thì các kết quả đạt được vẫn còn nhỏ bé so với tiềm năng và vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Để đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, cần lưu ý các phương hướng sau: - Nhanh chóng thông qua Luật riêng về Năng lượng tái tạo, cần tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án Sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam vừa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẩn trương ban hành các chính sách về giá để khuyến khích việc phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo cũng như các chính sách miễn giảm thuế cụ thể. - Không nên đầu tư tràn lan, mà nên tập trung vào một số mũi nhọn cụ thể như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học và biomass. Cần thận trọng trong việc phát triển và khai thác thủy điện nhỏ. - Về năng lượng mặt trời, nên tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất pin mặt trời bằng các nguồn vốn trong và ngoài nước, nên xây dựng các
trạm phát điện mặt trời công suất lớn có nối lưới. Trong lĩnh vực năng lượng gió, nên tiếp tục phát triển các cụm phát điện gió công suất lớn có nối lưới. - Trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học và biomass, cần thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học công suất lớn, cần có giải pháp hỗ trợ cụ thể để các sản phẩm nhiên liệu sinh học bước đầu đủ sức cạnh tranh với các nguồn nhiên liệu truyền thống, cần xác định cụ thể lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học vào sản xuất và đời sống mang tính bắt buộc. Nếu có các chính sách cụ thể và các giải pháp đúng đắn, hy vọng trong vài năm sắp tới các hoạt động về sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo sẽ có các bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với tiềm năng sẵn có hy vọng trong tương lai không xa Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trong khu vực, góp phần đóng góp 5% tổng nhu cầu năng lượng của đất nước vào năm 2020 theo như kỳ vọng của Chính phủ.

 

4. Các đề xuất cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên

4.1. Một vài số liệu

Khu vực Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk lắk, Đắc Nông và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên khoảng 54.474km2, chiếm 16,8% diện tích của cả nước, dân số là 5.107.437 người (theo số liệu thống kê năm 2009). Toàn khu vực hiện có 5 thành phố là Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt, Kon Tum và Bảo Lộc. Độ cao trung bình của toàn khu vực từ 600-800m so với mực nước biển, riêng Thành phố Đà Lạt có độ cao khoảng 1500m. Với hệ thống giao thông thuận tiện, từ vị trí miền núi Nam Đông Dương các tỉnh Tây Nguyên có thể dễ dàng kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ. Không những thế, Tây Nguyên cũng có những hành lang tự nhiên thông với Nam Lào và khu vực Đông Bắc Campuchia…. Khí hậu Tây Nguyên phổ biến là khí hậu nhiệt đới với hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô thường kéo dài từ khoảng tháng 11 năm trước cho đến tháng 4 năm sau, trong mùa này thì trời khá mát lạnh và khô với gió cao nguyên từ cấp 4 đến cấp 6 (từ 5,5-7,9m/s đến 10,8-13,8m/s). Mùa mưa thường kéo dài từ khoảng tháng 5 cho đến tháng 10, trong mùa này thì trời ẩm và mát dịu. Một trong những nét đặc trưng của Tây Nguyên là thủy điện. Tây Nguyên được đánh giá là một trong những trọng điểm của cả nước về mặt khai thác thủy điện. Hiện toàn khu vực có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành và một số nhà máy đang xây dựng trên hệ thống sông chính với tổng công suất khoảng 4500MW. Không chỉ có tiềm năng tốt về gió, Tây Nguyên cũng được xem là một trong những nơi có điều kiện tốt về nắng của cả nước. Theo các số liệu đo đạc, cường độ bức xạ mặt trời trung bình của khu vực là 4,9-5,7kWh/(m2.ngày) với số giờ nắng là 22002600giờ/năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 24oC với độ dao động nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm khá lớn, bình quân vào khoảng 15-20oC vào mùa khô và khoảng 1015oC vào mùa mưa. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của những diễn biến bất thường của khí hậu, lượng mưa có xu hướng giảm và mùa mưa cũng thường kết thúc sớm hơn, chính vì vậy nên hiện tượng khô hạn thường xuyên xảy ra.
Về cơ cấu sử dụng năng lượng, điểm chung của các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên là phần lớn năng lượng được sử dụng trong lĩnh vực sinh hoạt đời sống, kế đến là công nghiệp xây dựng, giao thông vận tải, sau đó mới đến thương mại dịch vụ và nông lâm thủy sản. Bảng 1 dưới đây trình bày cơ cấu sử dụng năng lượng của tỉnh Đắk lắk với mục đích minh họa. 

 

 

4.2. Một số đề xuất và bàn luận

Trong bối cảnh chung của cả nước, kết hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và điều kiện tự nhiên của các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, bảng 2 dưới đây đề xuất một số giải pháp nhằm mục đích đẩy mạnh các hoạt động về sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo của các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. 

 

 

Rõ ràng các giải pháp (1), (2) và (3) luôn luôn cần thiết cho mọi địa phương, không chỉ dành riêng cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong trường hợp của các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, trong quá trình triển khai các giải pháp nêu trên nên chú ý những yêu cầu riêng như sau: - Chú trọng nhiều hơn đến các khóa đào tạo ngắn hạn, tăng cường tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về Tiết kiệm năng lượng và Sử dụng hiệu quả năng lượng. Nội dung các khóa đào tạo ngắn hạn nên bám sát cơ cấu sử dụng năng lượng đặc thù của các tỉnh trong khu vực. Theo đó, trọng tâm nên là các vấn đề năng lượng thuộc lĩnh vực sinh hoạt đời sống, kế đến mới là các lĩnh vực khác theo như gợi ý trong bảng 1. - Tương tự như vậy, việc đào tạo đội ngũ kiểm toán năng lượng và các hoạt động về quản lý năng lượng cũng nên bám sát các đặc thù riêng về cơ cấu sử dụng năng lượng của địa phương. - Các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng đương nhiên chỉ nên tập trung vào lĩnh vực sinh hoạt đời sống. Giải pháp 4 được xem là giải pháp mang tính mũi nhọn, là động lực thúc đẩy các hoạt động về sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo của các tỉnh thuộc khu vực. Trong giai đoạn ban đầu, chỉ nên tập trung định hướng một số loại công nghệ có tính khả thi cao nhất để triển khai. Riêng về năng lượng tái tạo, trên cơ sở tiềm năng và điều kiện tự nhiên, trước mắt chỉ nên tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Cụ thể, nên khuyến khích mọi người sử dụng nước nóng mặt trời, pin mặt trời, quạt gió phát điện và quạt gió bơm nước công suất nhỏ, đặc biệt chú ý phát triển tổ hợp gió/mặt trời vì tổ hợp này có thể khai thác tốt hơn điều kiện nắng/gió của các tỉnh trong khu vực. Do tỉ trọng dân số có thu nhập thấp vẫn còn ở mức cao, nên chú ý tìm kiếm các chủng loại thiết bị có tính ứng dụng phổ biến và có giá thành thấp để tập trung triển khai. Trước mắt nên đầu tư phát triển thiết bị cung cấp nước nóng mặt trời giá rẻ cho người dân để làm mũi đột phá trong lĩnh vực này(*). Bên cạnh đó, nên tìm cách chuyển tải đến cộng đồng các hiểu biết và lợi ích của năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Ngoài ra, cũng nên đề cập thêm về thủy điện nhỏ và những mặt trái của thủy điện nhỏ. Đối với cơ quan quản lý, cần thống nhất chủ trương không tiếp tục phát triển thủy điện nhỏ. Về sử dụng hiệu quả năng lượng, nên chọn mũi đột phá bằng cách thay đổi thói quen cung cấp nước nóng ở các khách sạn bằng điện trở. Việc chuyển đổi từ điện trở sang bơm nhiệt sẽ góp phần làm giảm thiểu rất đáng kể lượng điện năng cần sử dụng. Không những thế, việc sử dụng phối hợp bơm nhiệt và năng lượng mặt trời chắc chắn sẽ làm gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng nhiều hơn nữa, nhanh chóng góp phần đưa các khách sạn đó đạt đến tiêu chuẩn Khách sạn xanh. Các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên cũng là địa bàn rất lý tưởng để áp dụng máy lạnh hấp thụ nhằm đáp ứng nhu cầu điều hòa không khí vào mùa hè và nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông ở các khách sạn, hoặc đáp ứng nhu cầu sản xuất nước lạnh ở các cơ sở sản xuất cần nước lạnh. Do đó trước mắt cần nhanh chóng lựa chọn một số địa điểm thích hợp để triển khai ngay loại công nghệ này. Trong lĩnh vực xây dựng, cần quảng bá và đẩy mạnh Kiến trúc sinh thái. Việc áp dụng rộng rãi các tòa nhà và các công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn Kiến trúc sinh thái chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy có hiệu quả các hoạt động về sử dụng hiệu quả năng lượng, đồng thời góp phần thay đổi diện mạo và bổ sung thêm nét độc đáo cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Hy vọng những thông tin tổng quan và những đề xuất trên đây có thể tham gia góp phần định hướng các hoạt động về Sử dụng hiệu quả năng lượng & Năng lượng tái tạo trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên trong những năm trước mắt, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động về Sử dụng hiệu quả năng lượng & Năng lượng tái tạo trong toàn khu vực để góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững. 

 

(*) Với các đơn vị có quan tâm, có thể tiếp xúc với người viết để nhận chuyển giao công nghệ nhằm tổ chức sản xuất loại sản phẩm này.

Bộ môn Công Nghệ Nhiệt Lạnh - Khoa Cơ Khí- Trường Đại Học Bách Khoa

Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Nhà B5, 268 Lý Thường Kiệt, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08.38 647 256 ext.5897

Email: cnnhietlanh@hcmut.edu.vn

Facebook: Nhiệt lạnh ĐHBK HCM

13910549
Hôm nay
Tổng cộng
2700
13910549

Facebook

Joomla Templates - by Joomlage.com