Monday, 08 April 2024

CHUYẾN THAM QUAN NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN SÔNG HẬU 1, CỤM NHÀ MÁY KHÍ - ĐIỆN - ĐẠM CÀ MAU, NHÀ MÁY CHẾ BIẾN THỦY HẢI SẢN VIỆT ÚC CỦA BỘ MÔN CÔNG NGHỆ NHIỆT LẠNH, TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA – ĐHQG TPHCM

Published in News

Tiếp nối những hoạt động tham quan nhà máy của năm 2024, trong 3 ngày từ ngày 12 đến 14/3/2024 đoàn gồm có 6 thầy cô và 5 bạn sinh viên bộ môn CNNL đã có chuyến tham quan thực tế tại Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1, nhà máy Khí - Điện - Đạm Cà Mau (PVCFC), nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc (Bạc Liêu) tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Qua chuyến đi đoàn tham quan đã có cái nhìn thực tế hơn về các quy trình và công nghệ của các nhà máy, đồng thời cho các bạn sinh viên cơ hội tiếp xúc với những kiến thức thực tế ngay từ khi còn đang theo học ngành Kỹ thuật Nhiệt. Hành trình của đoàn trong 3 ngày diễn biến như sau:


Sáng ngày 12/3/2024, đoàn di chuyển từ trường ĐH Bách Khoa và đến đầu giờ chiều cùng ngày đoàn đến điểm tham quan đầu tiên là Nhà máy Nhiệt Điện Sông Hậu 1. Tại nhà máy, đoàn được đón tiếp bởi anh Vũ Lê Quốc (CSV Nhiệt khóa K2010) và các anh phụ trách trong Phòng Kỹ thuật của nhà máy. Thông qua việc trình bày, giới thiệu về nhà máy cùng những công nghệ sản xuất điện hiện đại tại đây, các thầy cô và các bạn sinh viên đã có những chia sẻ, trao đổi học hỏi các kiến thức liên quan đến cách thức vận hành hệ thống, công tác quản lý sản xuất thực tế, cũng như các đặc tính quan trọng của công nghệ phát điện siêu tới hạn. Sau phần trình bày tại phòng họp, đoàn đến khu vực mặc đồ bảo hộ để tham quan trực tiếp nhà máy và được anh Quốc thuyết minh, trả lời các câu hỏi thắc mắc của đoàn trong suốt quá trình tham quan. Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 có 2 tổ máy, với công suất 600 MW trên một tổ máy nằm trong quy hoạch Trung tâm Điện lực Sông Hậu - Hậu Giang thuộc xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang với tổng công suất 5.200 MW. Nhà máy có công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò than phun trực lưu, có tái sấy, thông số hơi siêu tới hạn. Nhà máy áp dụng công nghệ đốt tiên tiến (đốt NOx thấp) và lắp đặt các thiết bị xử lý khói thải (ESP, FGD) để đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Có thể nói chuyến tham quan nhà máy quả thực là một chuyến đi thực tế có chuyên môn cao và bổ ích cho cả Thầy Cô và các em Sinh viên đang theo học ngành Kỹ thuật Nhiệt về lĩnh vực nhà máy nhiệt điện.

 

Picture1

Hình 1. Đoàn tham quan nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1

 

Sau khi tham quan Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, đoàn di chuyển về khách sạn nghỉ ngơi. Đến sáng ngày 13/3/2024 đoàn tiếp tục có mặt tại Khu Phức Hợp Nuôi và Sản xuất Tôm công nghệ cao Việt Úc, tại Khu Công Nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tỉnh Bạc Liêu. Đến với khu nuôi tôm và chọn tôm giống, đoàn được đón tiếp rất chu đáo bởi anh Sơn. Sau khi được nghe giới thiệu về quy trình nuôi chọn tôm giống, đoàn dùng cơm trưa với Ban giám đốc nhà máy. Đầu giờ chiều cùng ngày, đoàn di chuyển đến nhà máy chế biến tôm. Tại đây, các thầy cô và các bạn sinh viên đã được tham quan tìm hiểu quy trình chế biến ứng dụng công nghệ tự động hóa trên 70%, đặc biệt là các công nghệ hiện đại bậc nhất trong lĩnh vực chế biến, từ các Quốc Gia hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản,.. Đến với nhà máy, đoàn đã được tiếp xúc thực tế về lĩnh vực làm lạnh cấp trữ đông thực phẩm, đây cũng là một mảng lớn mà Bộ môn Công nghệ Nhiệt lạnh đang giảng dạy.

 

Picture2

Hình 2. Đoàn tham quan vùng nuôi tôm Việt Úc Nhà Mát

 

Picture3

Hình 3. Đoàn tham quan nhà máy Thủy Sản Việt Úc Nhà Mát

 

Vào sáng ngày hôm sau, ngày cuối cùng của chuyến tham quan, đoàn đã đến thăm cụm nhà máy Khí - Điện - Đạm Cà Mau, một trong những công trình trọng điểm quốc gia được Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư. Chuyến tham quan được bắt đầu với nhà máy Khí, tại đây đoàn được anh Tài cùng một số kỹ sư vận hành trong nhà máy đón tiếp niềm nở. Đoàn được các anh giới thiệu về quy trình khai thác chưng cất dầu khí của nhà máy. Sau khi nghe giới thiệu tổng quan về toàn bộ hoạt động của nhà máy qua mô hình thu nhỏ, đoàn di chuyển trực tiếp xuống nhà máy và tham quan tháp chưng cất cùng các hệ thống phụ trợ. Sau khi tìm hiểu nhà máy Khí, đoàn tiếp tục di chuyển sang nhà máy Điện, tại đây đoàn được đón tiếp bởi anh Thanh và nghe anh giới thiệu về quy trình vận hành nhà máy Điện có công suất tổng cộng 1500 MW. Cuộc trao đổi của các thầy cô và ban vận hành nhà máy diễn ra hơn một giờ đồng hồ, qua đó đoàn tham quan đã có cái nhìn thực tế và hiểu thêm các kiến thức trong vận hành nhà máy Điện hoạt động theo công nghệ khí hơi hỗn hợp. Kết thúc cuộc trao đổi, đoàn di chuyển bằng xe điện xuống nhà máy để tham quan trực tiếp và sau đó chụp hình lưu niệm tại đây trước khi lên đường quay về lại Thành phố.

 

Picture4

Hình 4. Đoàn tham quan cụm nhà máy Khí PV Gas Cà Mau

 

Picture5

Hình 5. Đoàn tham gian công ty Điện lực Dầu Khí Cà Mau

 

Qua chuyến đi lần này, các Thầy Cô Bộ môn Công nghệ Nhiệt lạnh đã có thêm nhiều những kinh nghiệm thực tế để đưa vào giảng dạy, các em sinh viên cũng biết thêm nhiều những kiến thức mà mình chưa có cơ hội được học trên ghế nhà trường. Hơn thế nữa, các bạn sinh viên cũng đã mở rộng tầm nhìn về cơ hội việc làm của mình sau khi tốt nghiệp để có động lực phấn đấu học tập. Bộ môn Công nghệ Nhiệt lạnh trường ĐH Bách Khoa - Đại học Quốc Gia Tp.HCM xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ban lãnh đạo, ban quản lý, các kỹ sư vận hành, các nhân viên nhà máy đã có sự đón tiếp chu đáo và nhiệt tình với đoàn tham quan. Kính chúc ban lãnh đạo, ban quản lý các nhà máy, các kỹ sư vận hành, các nhân viên nhà máy có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến và làm việc hết mình, đạt nhiều thành công mới trong công việc. Xin chào và hẹn gặp lại trong các chuyến tham quan tiếp theo!

-------------
Biên tập: Phương Tuyền
Photo: Tổng hợp

Department of Heat & Refrigeration Engineering

Faculty of Mechanical Engineering

Ho Chi Minh City University of Technology - VNU

Address: Building B5, 268 Ly Thuong Kiet street, District 10, Hochiminh City, Vietnam

Phone:+84 .028.38 647 256 ext.5897

Email: cnnhietlanh@hcmut.edu.vn

Facebook: Nhiệt lạnh ĐHBK HCM

13416848
Hôm nay
Tổng cộng
28179
13416848

Facebook

Joomla Templates - by Joomlage.com